Là một trong số startup khởi nghiệp thành công, dược sĩ – thạc sĩ quản trị kinh doanh Đoàn Thị Hồng Thắm (CEO Công ty TNHH Hygie & Panacee, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) không chỉ góp phần nâng cao giá trị nông sản và nâng cao thu nhập cho người nông dân, mà chị còn tích cực cộng tác cùng các trường đại học, cao đẳng để chia sẻ kinh nghiệm và truyền ngọn lửa khởi nghiệp đúng hướng cho các thế hệ sinh viên đàn em.
Lãnh đạo Thành ủy và Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường (cà vạt vàng) cùng các sở, ngành tham quan gian hàng và sản phẩm dược trà
Sinh ra ở miền quê hiền hòa Thốt Nốt, TP.Cần Thơ, từ nhỏ chị Hồng Thắm đã yêu thích thiên nhiên, nhất là các loại cây cỏ, hoa trái. Sau khi tốt nghiệp THPT, chị theo học ngành dược tại Trường Đại học Y Dược TP.HCM. Với mong ước chế biến dược liệu từ vườn rau, cây cỏ quê nhà, khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, chị đã tham gia nghiên cứu các công trình khoa học về dược liệu.
Sau khi tốt nghiệp, Hồng Thắm làm việc trong môi trường nghiên cứu dược liệu và phụ trách phát triển sản phẩm mới ở Công ty Dược Hậu Giang. Chị là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu và sản xuất thuốc ho Eugica từ dược liệu, rất được thị trường ưa chuộng. Sau đó chị làm Giám đốc kinh doanh Công ty Pymepharco, từ đó chị càng nhận ra giá trị và tiềm năng thương mại của các loại rau dược tính ở Việt Nam, cũng như đồng cảm với người nông dân trồng rau vất vả nhưng thu nhập không ổn định vì nếu sản phẩm không tiêu thụ hết trong ngày thì phải hủy bỏ. Bên cạnh đó tình trạng “giải cứu nông sản” vẫn thường xảy ra, nguyên nhân cơ bản là công nghệ chế biến nông sản sau thu hoạch của Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Năm 2019, dược sĩ Hồng Thắm dừng công việc ở công ty để khởi nghiệp với “dược trà”. Chị bộc bạch: “Nghỉ việc ở công ty có thu nhập cao thật sự tôi cũng phân vân, nhưng vấn đề thôi thúc tôi là ĐBSCL và Việt Nam nói chung, có rất nhiều loại nông sản mang tính dược liệu đã được dân gian sử dụng lâu đời, được y học cổ truyền ghi nhận, và cả y học hiện đại chứng minh các thành phần hoạt chất làm nên dược tính của nông sản. Cụ thể như rau diếp cá hỗ trợ điều trị bệnh trĩ; gừng trị rối loạn tiêu hóa; tía tô trị cảm cúm; húng chanh trị ho… Nhưng thực tế bà con chỉ sử dụng theo kinh nghiệm dân gian mà chưa có sản phẩm nào chính thức khai thác đúng tác dụng này. Qua nhiều năm nghiên cứu và sản xuất dược liệu, tôi thấy cần phải khai thác giá trị này để nâng cao giá trị nông sản Việt và tạo ra những sản phẩm chăm sóc sức khỏe chất lượng “made in Vietnam” để dần thay thế các thực phẩm chức năng nhập ngoại. Nhưng khai thác, chế biến thế nào để phát huy được tinh chất đó, sản phẩm phải thân thiện, tiện dụng cho người dùng, và quy trình sản xuất ổn định để có thể nhân rộng? Sau khi cân nhắc, nghiên cứu, tôi chọn công nghệ chiết xuất và bào chế của ngành dược để sản xuất dược trà hòa tan, và sản phẩm đã đáp ứng được những yêu cầu trên”.
Bằng ý chí, trình độ chuyên môn và ước mong đem lại sức khỏe cho cộng đồng, chị từng bước vượt qua muôn ngàn khó khăn trong quá trình khởi nghiệp, đầu tư xây dựng nhà xưởng, dây chuyền sản xuất để làm ra sản phẩm chất lượng và đến nay đã xây dựng thành công thương hiệu trà thảo dược – Hygie & Panacee. Hiện nay sản phẩm đã có mặt trên thị trường cả nước, ngày càng được người tiêu dùng tin cậy.
Dược sĩ Đoàn Thị Hồng Thắm với các sản phẩm dược trà
Để có nguyên liệu tốt, chị tự đi thu mua nguyên liệu, và kiểm tra, đảm bảo vùng trồng rau hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Đồng thời vận động, giải thích, hướng dẫn để bà con và một số hợp tác xã tham gia trồng rau sạch, từng bước xây dựng vùng nguyên liệu cho công ty. Chị thu mua với giá cao hơn thị trường và bao tiêu sản phẩm nên các vùng trồng luôn đảm bảo nguyên liệu cho dây chuyền sản xuất.
Hồng Thắm chia sẻ: “Từ 20-30kg nguyên liệu tươi sẽ làm ra 1kg trà hòa tan, thời gian bảo quản, sử dụng từ 12 đến 18 tháng, nâng cao giá trị thương mại, cụ thể 1kg rau diếp cá bán giá vài chục ngàn đồng, khi làm thành trà thì mỗi ký có giá 800.000 đồng, đồng thời khắc phục tình trạng “sáng rau – chiều rác” nếu không tiêu thụ hết. Nhưng để trồng rau sạch, hữu cơ, bà con phải cất công chăm sóc cực hơn; mình phải thấy được sự vất vả đó để thu mua sản phẩm của bà con với giá phù hợp, bà con sẽ yên tâm sản xuất và cộng tác với công ty lâu dài”.
Với dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018 (chứng nhận an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế), công ty của Thắm đưa ra thị trường 12 sản phẩm dược trà hòa tan. Tất cả các sản phẩm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho các nhóm đối tượng như trà cho người mất ngủ, cho người bị bệnh tiểu đường, cho người bị bệnh huyết áp, mỡ máu cao, cho phụ nữ sau sinh…
Dược sĩ Đoàn Thị Hồng Thắm bên vùng rau nguyên liệu
Khác với loại trà pha nước bỏ bã, dược trà chế biến theo dạng bột hòa tan nên tận dụng được hết tính năng, bộ phận của cây dược liệu. Trong trà chỉ có thành phần cô đặc của dịch chiết từ thảo dược. Sản phẩm đã nhận nhiều giải thưởng, như: Tháng 10-2021: Đạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Đồng Tháp. Tháng 12-2021: Sở Công thương TP.Cần Thơ tặng Giấy khen sản phẩm sáng tạo tiêu biểu của Cần Thơ. Tháng 1-2022: Đạt giải nhì cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo ĐBSCL 2021. Tháng 7-2022: Có 5 sản phẩm dược trà hòa tan của công ty đạt chứng nhận OCOP 4 sao của TP.Cần Thơ…
Nói về kế hoạch sắp tới, chị Thắm tiết lộ “Công ty phấn đấu sản xuất 30 sản phẩm, giúp tiêu thụ khoảng 600 tấn nông sản cho nông dân. Quảng bá tìm cách đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài, trong đó tập trung các nước châu Á có thói quen dùng trà thảo mộc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Thái Lan”.